NGOẢNH LẠI HÓA TRO TÀN

Posted by:

|

On:

|

Nếu là một người đam mê hay chỉ đơn giản là thích đọc thể loại truyện tình cảm, có lẽ bạn sẽ biết đến truyện “Ngoảnh lại hóa tro tàn” của tác giả Tân Di Ổ. Câu chuyện xoay quanh hai nhân vật chính là Phó Kính Thù và Phương Đăng. Hai người gặp nhau khi vẫn chỉ là những cô bé cậu bé đáng thương sống trên hòn đảo Qua Âm xinh đẹp và yên bình. Cô sinh ra không có mẹ, để miêu tả thân phận của cô thì chỉ có cái danh xưng “con gái thằng nát rượu” với “cháu gái cô làm điếm”. Anh sinh ra trong dòng họ hiển hách nhất vùng nhưng lại là đứa trẻ bị ghẻ lạnh, bị bỏ mặc lại ở căn biệt thự đổ nát. Điểm duy nhất của cả hai đứa trẻ chính là luôn sống trong ánh mắt rẻ rúng của người đời.

So Ngoảnh lại hóa tro tàn với những bộ truyện SE trước đó mà tôi đọc thì không có gì đáng nói. Nhưng đọc xong, cả ngày hôm sau tôi thật sự rất bức bối. Không phải tôi tức giận vì tình yêu bị tha hóa của Phó Kính Thù, cũng không phải thương tâm cho sự hy sinh thầm lặng của Phương Đăng, càng không phải là tiếc nuối cho sự ra đi đột ngột của Lục Nhất. Cảm giác làm tôi bức bối chính là cái thứ tình yêu mù quáng, không rõ ràng để rồi dẫn tới hàng loạt bi kịch của các nhân vật.

Đối với Phó Kính Thù, tôi chưa bao giờ có cảm tình với nhân vật này. Nhưng có một điều mà tôi luôn thắc mắc cũng như bao độc giả khác là Phó Kính Thù có thật sự yêu Phương Đăng hay không? Câu hỏi mà ngay chính anh ta cũng không trả lời được. Nhưng đối với tôi, anh ta chưa bao giờ yêu Phương Đăng cả. Có chăng cái thứ “tình nghĩa” mà anh ta luôn nhắc chính là sự cảm kích vì tình yêu và sự hy sinh quá lớn của Phương Đăng. Thử hỏi, với một con người bị cả gia tộc rẻ rúng, bị người đời xem là đứa con hoang, đột nhiên có một người xuất hiện dâng hiến trái tim mình cho anh ta, liệu anh ta có nhận không? Huống hồ sự dâng hiến một cách mù quáng của Phương Đăng lại không cho Phó Kính Thù có cơ hội từ chối, vì chưa bao giờ cô ấy hỏi, liệu Phó Kính Thù có cần sự hy sinh đó hay không? Tôi chợt nhớ đến một câu như thế này, “Nếu ta thật sự yêu một người, đừng yêu họ theo cách ta muốn mà hãy yêu theo cách đối phương mong chờ”, đó mới là sự hy sinh xứng đáng. Nhiều bạn trách nam chính, nhưng thú thật là tôi có không thích nhưng cũng đồng thời tôi cũng không trách. Thói thường mà nói, sẽ chẳng ai đi từ chối một sự giúp đỡ, mà sự giúp đỡ này lại không mong cầu được đáp trả, nhất là đối với một người đang trực chờ một cơ hội để trở mình, để trả thù gia tộc như Phó Kính Thù. Anh ta cũng chỉ là con người bình thường, có lòng tham, và cũng có sự ích kỷ. Có trách là chỉ trách anh ta chưa bao giờ xem xét rằng bản thân có yêu Phương Đăng hay không, mà ngược lại còn lợi dụng tình cảm của một cô gái để đạt được lợi ích của mình.

Còn với nữ chính – Phương Đăng, đây có lẽ là hình mẫu phụ nữ mà từ khi sinh ra tới giờ tôi ghét nhất. Tôi ghét sự hy sinh mà thậm chí chẳng bao giờ hỏi người khác có cần hay không. Đó không phải là cao thượng mà là một sự ngu ngốc. Tôi đã ấn tượng với câu nói của Phó Kính Hằng khi cô “ngủ” với Lục Ninh Hải để đổi lấy cơ hội đổi đời cho anh “Em không tự yêu em thì làm sao người khác yêu em?”. Và đó cũng chính là câu nói mà tôi ngàn vạn lần muốn nói với nữ chính. Thật sự tôi đã nghĩ, nếu ngay từ đầu Phương Đăng hỏi Phó Kính Thù rằng anh ta cần “cơ hội” để bước vào dòng dõi quý tộc đó hay chỉ cần có một người thương anh, một tình thương đơn thuần giữa đàn ông với đàn bà, một sự ấm áp giản đơn của con cáo dành cho hồ ly không tim, không phổi? Đối với tôi, Phương Đăng không nên và cũng không có tư cách để hận Phó Kính Thù, vì rõ ràng tất cả những gì cô làm xuất phát từ ý nghĩ của bản thân, một suy nghĩ tự cho mình là đúng. Nói cho cùng kết cục của Phương Đăng là do cô chuốc lấy, năm lần bảy lượt chưa từng nghĩ lại mình sai ở đâu. Hơn nữa khi bắt đầu yêu đương với Lục Nhất, tôi cũng thật sự không rõ Phương Đăng có yêu anh hay không, hay chỉ luyến tiếc tình yêu đơn giản, sự hy sinh thầm lặng – thứ mà cô luôn cho Phó Kính Thù chứ chưa bao giờ được nhận lại. Đọc đến đây tôi thật sự không thể nào ngấm nổi tính cách của nữ chính, cô luôn khao khát tình yêu từ Phó Kính Thù nhưng lại ích kỷ mà “đòi” nó từ Lục Nhất, cô ích kỷ muốn ra đi cùng anh, dù biết rằng anh có thể sẽ gặp nguy hiểm. Cô không cho phép Phó Kính Thù làm khuấy động cuộc sống của Lục Nhất, nhưng cô không biết rằng bản thân mình mới là người làm đảo lộn cuộc sống của anh. Nếu cô kiên quyết hơn với Lục Nhất, nhất quyết dựng lên bức tường cản trở tình cảm của anh, thì có lẽ anh đã giữ khoảng cách với cô, vì đó chính là cách mà trước giờ Lục Nhất vẫn luôn yêu cô, anh chỉ muốn cô được vui vẻ.

Nhiều người nói, điểm sáng của bộ truyện chính là là tình yêu trong sáng, sự chăm sóc tỉ mỉ của Lục Nhất dành cho Phương Đăng, nhưng đối với tôi, tình yêu đó chỉ là một sự đồng cảm của hai đứa trẻ từ khi còn nhỏ. Nếu có hơn thế, thì chính là sự tò mò về một cô gái, một cô gái có suy nghĩ “già đời” vô tình xuất hiện và kéo anh khỏi sự đau thương vào cái đêm cha anh mất thôi, không hơn không kém. Nhưng dù là tình yêu gì thì kết cục của Lục Nhất thật sự là quá bất công với anh.

Còn nếu hỏi nhân vật mà tôi thích nhất trong truyện, thì đó là Minh Tử. Dù cô rất yêu A Chiểu và có thai với anh ta nhưng khi biết A Chiểu quá ham chơi và không toàn tâm toàn ý yêu mình, cô đã kiên quyết chia tay và tự mình nuôi lấy đứa con đó. Tìm đến Phó Kính Thù, yêu cầu anh kết hôn với mình cho đứa con của cô một danh phận với điều kiện sẽ cho Phó Kính Thù lợi ích mà anh ta muốn. Dù cách làm của Minh Tử cũng không mấy vẻ vang, nhưng chí ít cô biết tự thương cho bản thân mình và đứa con nhỏ. Tôi thích một người thức thời, có thể lúc yêu A Chiểu, Minh Tử đã hết lòng vì anh ta, hạ mình năn nỉ hy vọng A Chiểu có thể quay đầu, thậm chí cầu xin cha mẹ chấp nhận thân phận của người yêu. Nhưng khi biết anh ta không xứng có được sự hy sinh đó, cô vẫn từ bỏ. “Dám yêu, dám bỏ” chính là điều tôi thật sự rất thích ở cô gái này.

Nhưng thật ra bạn có công nhận không, cuối cùng Phó Kính Thù kết hôn với Minh Tử, cho dù Phương Đăng đã tự tử ngay trước mắt anh ta, hôn lễ vẫn tiến hành. Cho dù sau này, trong phút giây nào đó, anh ta nhớ lại đôi mắt ngấn lệ của Phương Đăng trước khi chết thì đã sao, chẳng qua cũng chỉ là chút oán than, chút dây dứt và cả chút tiếc thương mà thôi. Anh ta vẫn là người đứng đầu nhà họ Phó, anh ta vẫn phải sống cuộc đời như một gã đàn ông bình thường, sinh con nối dõi…

Sự hy sinh của Phương Đăng, rốt cuộc là đáng sao?