Dạo trước, có người hỏi tôi rằng, đàn ông ngoại tình có được tha thứ khi anh ta quay về xin lỗi vợ của mình hay không. Nếu người bên cạnh tôi có một người khác thì tôi nhất định không tha thứ. Trong quá khứ tôi từng nói với mẹ như thế này, “nếu sau này con kết hôn mà chồng con ngoại tình thì khi con ly hôn mẹ đừng khuyên con suy nghĩ lại”. Bởi vì ngoại tình là một lỗi sai cơ bản trong tình yêu. Nó như cái việc mà chúng ta biết rằng giết người thì sẽ ở tù hoặc tử hình, bởi đó là điều luật mà từ khi nhà nước và pháp luật xuất hiện đã có vậy. Chắc hẳn có người sẽ nói với tôi rằng, bản năng của người đàn ông là yêu cái đẹp, ham mê cái mới lạ, khi cảm giác mới lạ của anh ta qua đi thì anh ta sẽ quay về với gia đình. Đối với cá nhân tôi, thì đây chính là lời bao biện của một gã tồi với một bộ não vô cùng n.g.u x.u.ẩ.n.
Trước khi đưa ra lý do vì sao tôi lại nói như vậy thì tôi xin đưa ra một định nghĩa về “con người” như thế này (lưu ý đây là góc nhìn cá nhân, và không có bất cứ giá trị nghiên cứu khoa học nào).
Đầu tiên, chữ con là phần thuộc về bản năng, con chó, con heo, con hổ, con gà,… tất cả đều có chữ con. Chữ con đó biểu hiện cho cái bản năng của động vật, tức là khi đói là phải ăn, khát là phải uống, bản năng yêu thương và muốn được yêu thương, bản năng quan hệ tình dục và duy trì giống nòi… Đó là về phần con, còn các danh từ phía sau như: hươu, cáo, thỏ… là những danh từ biểu hiện cho đặc tính của giống loài, hươu bởi vì cổ dài nên ăn những thứ trên cao, cáo đặc tính là cẩn thận nên ít khi thấy chúng tập tụ thành bầy đàn, thỏ yếu đuối nên thường đào hang để trú ẩn… tương tự như vậy với con người, con người cũng có phần con là phần bản năng, và phần người là đặc tính. Tuy chúng ta không sở hữu bộ não lớn nhất, không có tốc độ nhanh nhất và cũng không có thể lực mạnh nhất, nhưng con người hơn động vật ở chỗ chúng ta có “khả năng dự đoán, trực giác và trí tuệ, văn hóa và đạo đức”. Những đặc tính này khiến con người có lối sống văn minh và hiện tại hơn so với động vật (Giáo sư Suddendorf).
Định nghĩa về con người, chắc hẳn đã có nhiều người bàn luận về nó. Nhưng lý do tại sao tôi lại đưa nó vào bài viết này. Tôi hy vọng tất cả mọi người điều hiểu rằng, phần “thích” hay “cảm giác” nó thuộc về bản năng của giống loài. Như tôi đã nói trên thì cái khác biệt giữa người và vật là sự khắc chế bản năng giống loài đó. Giống như việc con người tạo ra lửa để nấu chín thức ăn, bởi vì con người nhận ra rằng thức ăn sống thì khó thực hiện thao tác nhai và nuốt , hơn hết vi khuẩn trong thức ăn sống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của con người. Thì chuyện ngoại tình cũng vậy, chúng ta khác con vật chính là nhờ vào khả năng nhận thức đâu là “bạn đời” của mình, có trí tuệ để phân biệt đâu là hôn nhân hợp pháp và đâu chung sống không được pháp luật công nhận, có khả năng dự đoán hay ít nhất là trực giác để biết đâu là chuyện trái với văn hóa và đạo đức xã hội. Vậy tại sao chúng ta còn làm một việc mà biết rành rành đó là chuyện sai trái?
Tôi biết có những người phụ nữ sống đã quen với việc cam chịu, hay những người đàn ông luôn có những lý do bao biện cho cái sai của mình sẽ cho rằng ai trong đời mà không có sai lầm, việc không kiềm chế tình cảm của mình cũng không ngoại lệ. Nhưng việc không kiềm chế được cảm xúc không phải cái tội, cái sai chính là bạn đã để thứ tình cảm vốn dĩ chỉ có trong suy nghĩ thành hành vi ngoại tình. Bạn có kế hoạch cho việc ngoại tình đó: hẹn gặp ở chốn không người, nhắn tin xong xóa lịch sử cuộc trò chuyện,… Tôi cam đoan rằng ai trong đời cũng sẽ có suy nghĩ việc sẽ phạm pháp, vượt đèn đỏ, uống rượu lái xe, hay ẩu đả đánh nhau, nhưng bạn có bị xử tội hay không nó nằm ở việc bạn có thực hiện hành vi phạm pháp đó hay không. Kể cả g.i.ế.t người, khi bạn vô tình (không có kế hoạch, hay thực hiện hành vi tự vệ) thì đó là ngộ sát và sẽ được pháp luật khoan hồng. Còn với việc ngoại tình, bạn đã đưa ra rất nhiều kế hoạch để thực hiện và thậm chí là che giấu nó thì có đáng bị xử tội hay không?
Còn về phần phụ nữ, tại sao chúng ta luôn cố gắng phấn đấu và hoàn thiện bản thân để trở thành người biết giữ lòng chung thủy trong hôn nhân, biết đâu là bổn phận của một người vợ người mẹ phải thực hiện. Thì tại sao phải tha thứ và cam chịu một người mà ngay cả bản năng của họ mà họ còn không vượt qua được? Tại sao chúng ta luôn phấn đấu để trở nên hoàn thiện trong hôn nhân, rồi lại chấp nhận một người mà người ta chối bỏ hôn nhân, chối bỏ tình cảm gia đình? Lý do tôi nói đoạn này bởi vì làm gì có ai ra ngoài ngoại tình mà người ta dám công nhận với cả thế giới rằng người ta có vợ, vẫn còn yêu thương vợ và nhất quyết không chịu ly hôn đâu. Có chăng chính là thể loại “ăn bánh trả tiền”, nhưng nếu thuộc vào trường hợp đó thì làm gì đến nỗi mà để bạn phát hiện ra, để bạn làm ầm lên đòi ly hôn rồi mới vội vàng xin lỗi. Phụ nữ đừng ngây thơ cho rằng chỉ cần chúng ta cam chịu thì hạnh phúc sẽ đến, nhưng tôi xin khẳng định một điều rằng sẽ không ai đi nâng niu một kẻ “nô lệ” luôn phục tùng và cam chịu cả, nên đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta tha thứ thì đối phương sẽ quay đầu. Giả dụ rằng trường hợp hy hữu mà họ quay đầu thì đây là một người đã biết bản thân mình làm sai, mà người đã biết rõ được cái sai ấy chính là một người có trí tuệ, mà đã có trí tuệ rồi thì làm sao có thể có cái “lỗi sai cơ bản” mà tôi đã nhắc ở đầu bài đây? Có chăng họ chỉ đang dùng cái mác của địa vị và học vấn để che lấp sự thiếu trí tuệ và hạnh phúc ở bên sâu trong tâm hồn họ?
Có người từng nói với tôi rằng, chuyện đàn ông ngoại tình là chuyện không thể kiểm soát được và người phụ nữ chính là người “giữ lửa”, bản lĩnh của họ là phải làm cho anh ta quay đầu. Với tôi thì tôi vô cùng không đồng tình với ý kiến này. Hôn nhân hay tình yêu không phải là mệnh đề nguyên nhân kết quả. Nó không phải là, “BỞI VÌ em là người đã hy sinh cho gia đình này NÊN anh sẽ chung thủy với em”. Tình cảm là hai mệnh đề song song “Anh yêu em. Em yêu anh”, hay “Anh chung thủy và Em chung thủy”. Nên trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng đừng nên suy nghĩ rằng ai sẽ hy sinh nhiều hơn hay ai sẽ là người giật dây cho mối quan hệ đó. Hãy luôn luôn giữ cái bản chất của chúng ta, nếu một ngày nào đó bạn cảm sự không chung thủy vẫn còn trong bản chất của đối phương thì đừng ngần ngại mà đề phòng, không sớm thì muộn bản chất đó sẽ xuất hiện mà thôi. Còn việc giữ lửa hạnh phúc thì không phải là của người vợ hay chồng mà là của “chúng ta”.
Tôi sẽ kể một câu chuyện như thế này, khi gia đình tôi vừa chuyển nhà lên thành phố, bởi vì cha mẹ tôi không hợp tuổi nên chưa thể cất nhà, cho nên chúng tôi phải ở nhà thuê một năm. Nhưng khác với tâm trạng hào hứng khi chuyển nhà, tôi thực sự không muốn ở căn nhà đó lâu, và cho đến tận lúc chuyển đi tôi cũng không thấy có luyến tiếc gì. Đến khi gia đình tôi cất nhà mới, khi tự tay trang trí căn phòng của mình, chọn màu sơn, chọn giường ngủ, chọn tủ học tôi mới biết lý do tôi không gắn bó với nhà cũ không phải là do thời gian tôi ở không được lâu mà do tôi không tận tâm trang trí nó, vun đắp từng thứ nội thất cho nó nên tôi thể nào cảm giác được cảm giác hạnh phúc khi sở hữu một thứ gì (mặc dù ở nhà cũ tôi cũng có phòng riêng). Tương tự như vậy, nếu phụ nữ luôn dành phần “giữ lửa” ấy thì đàn ông sẽ không bao giờ biết trân trọng gia đình, bởi họ không chính tay xây dựng nên cuộc hôn nhân đó. Bạn nấu ăn thì hãy để anh ta rửa chén, bạn đi chợ thì để anh ta dọn nhà, bạn mệt hãy nói, đừng cố sức gồng gánh chỉ để đổi lại tiếng thơm “vợ hiền dâu thảo” làm gì, khi bạn hy sinh quá nhiều, sẽ không ai biết trân trọng bạn đâu.
Việc chúng ta cần là không phải là cố gắng thay đổi bản năng của đàn ông bởi vì không ai làm được ngoài chính bản thân họ. Bạn thay đổi được họ một lần nhưng có chắc sẽ thay đổi cả đời hay không? Có thể giả sử thế này, bạn là một người sạch sẽ mà phải sống chung với một kẻ bừa bộn, ngày ngày phải dọn vớ anh ta quăng lung tung, tìm đồ dơ đồ mà anh ta làm lẫn lộn trong mớ đồ sạch, ăn mặc lúc nào cũng lôi thôi lếch thếch, đánh răng thì bữa đánh bữa không. Suy cho cùng, nếu anh ta không thay đổi suy nghĩ về việc quần áo ngăn nắp sẽ khiến anh ta tìm được đồ một cách nhanh chóng hơn, ăn mặc tươm tất sẽ khiến anh ta trông thiện cảm với mọi người, thì bạn có dám chắc bạn có kiên nhẫn thay đổi anh ta cả đời không. Kết hôn với một người lăng nhăng cũng vậy, anh ta huýt gió người phụ nữ khác cũng khiến bạn điên cả người không phải sao?
Điều quan trọng tôi muốn nhắn nhủ đến tất cả (không riêng gì phụ nữ), đó chính là đừng quan tâm tới việc bạn đời của chúng ta có ngoại tình hay không, nếu có thì cứ việc ly hôn, chúng ta chỉ sống một cuộc đời, vì cớ gì phải giam cầm mình vào cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Đừng cố gắng giữ lửa cuộc hôn nhân hay thay đổi chính mình để nhận lại một lần quay đầu của đối phương. Nếu đã sai lần một nhất định sẽ có sai lần hai, chẳng qua là lần sau họ lại có kinh nghiệm để che giấu giỏi hơn lần đầu mà thôi. Có khi họ còn không thèm che giấu nữa, đó chính là vì sự “bao dung” một cách mù quáng của các bạn đấy. Hãy cố gắng thăng tiến trí tuệ để biết rằng cuộc sống không chỉ có tình yêu, tình yêu chẳng qua cũng chỉ là gia vị, không có nó bạn vẫn sống được, thiếu gia vị này thì mình bù vào gia vị khác, thế thôi!